Lịch sử thương hiệu
- 2023-02-07 11:20:03
- 99 lượt xem
Tìm hiểu lịch sử chế tác đồng hồ điểm chuông của Vacheron Constantin
Được phát minh vào thế kỷ 18 để báo thời gian trong bóng tối, đồng hồ điểm chuông được coi là kiệt tác kết hợp giữa khoa học cơ khí và nhạc cụ để biến thời gian thành âm thanh, thậm chí là một giai điệu, khơi gợi cảm xúc mãnh liệt đến từ cả thị giác và thính giác.
Trong bài viết dưới đây, G-Luxury sẽ cùng bạn tìm hiểu lịch sử chế tác đồng hồ điểm chuông của Vacheron Constantin.
Di sản của gần 300 năm
Năm 1744, Jean-Marc Vacheron - nhà sáng lập Vacheron Constantin sau này - được yêu cầu chế tạo đồng hồ báo thức cầm tay như một phần trong dự án tốt nghiệp học nghề của ông, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để trở thành thợ chế tạo đồng hồ chuyên nghiệp ở thời điểm đó. Có lẽ đây là cơ duyên để biến đồng hồ điểm chuông trở thành một phần di sản của Vacheron Constantin. Các xưởng chế tác của hãng đã tham gia quá trình tạo ra thế hệ đồng hồ điểm chuông đời đầu và ghi dấu với chiếc Minute Repeater vào năm 1806. Hãng còn nuôi tham vọng chế tác bộ máy siêu mỏng, khiến việc sản xuất các cỗ máy vốn đã phức tạp càng trở nên thách thức hơn gấp bội.
Symphonia Grande Sonnerie “The Sixth Symphony” (năm 2020) với thân giữa của bộ vỏ đồng hồ được chạm khắc một phần Bản giao hưởng số 6 của Beethoven
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thương hiệu thường xuyên nhận được đơn đặt hàng của giới thượng lưu - từ Nữ hoàng của Romania đến công chúa Isabel. Những cực phẩm thời kỳ này bao gồm các mẫu Grande Sonnerie (tính năng điểm chuông mỗi giờ, và mỗi một phần tư giờ cùng giờ tương ứng), ví dụ như chiếc đồng hồ bỏ túi Grande Sonnerie đầu tiên thương hiệu ra mắt năm 1827 - hiện nằm trong bộ sưu tập riêng của hãng.
Dấu ấn riêng của cỗ máy điểm chuông
Trong lĩnh vực chế tác đồng hồ, Grande Sonnerie được coi là một trong những tính năng phức tạp nhất. Đồng hồ Grande Sonnerie sử dụng chuyển động cơ học để báo giờ 96 lần/ngày, với tổng số lần gõ 366 lần/ngày cùng tính rõ nét về âm thanh - điều buộc nhà sản xuất phải giải bài toán về năng lượng. Vì thế, Grande Sonnerie thường được trang bị 2 thùng cót - một thùng dành cho chuyển động và thùng còn lại dành cho việc điểm chuông.
Reference 57260 (năm 2015) – chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới với 57 tính năng và mất 8 năm để hoàn thiện
Hầu hết đồng hồ Grande Sonnerie đều có tính năng Petite Sonnerie - điểm chuông mỗi giờ, mỗi một phần tư giờ và cả một chế độ “im lặng” để dừng bộ gõ.
Chất lượng âm thanh của đồng hồ điểm chuông phụ thuộc vào hình dáng và hướng búa gõ; chất liệu, độ dài, hình dáng và vị trí của gong (chuông đĩa) trong bộ máy. Ngoài ra còn có chất liệu và cấu trúc của bộ vỏ, bộ phận cộng hưởng âm thanh hay thậm chí cả lưới kim loại để tăng khả năng truyền âm. Và cuối cùng, tay nghề của nghệ nhân chế tác luôn là điều tạo nên sự khác biệt cho mỗi cỗ máy.
Những tạo tác ấn tượng của Vacheron Constantin
Không chỉ vượt qua thách thức về kỹ thuật khi chế tạo đồng hồ điểm chuông, nhà sản xuất Thụy Sĩ còn tạo ra bộ chuyển động chỉ dày 3,28mm cho cỗ máy siêu mỏng Reference 4261 - một đại diện cho cột mốc quan trọng trong sự phát triển đồng hồ điểm chuông của Vacheron Constantin. Chiếc đồng hồ có độ dày 5,25mm cùng vấu hình giọt nước này là một trong những tạo tác huyền thoại của thương hiệu và được sản xuất chưa đến 40 chiếc.
Tour de l’Île (năm 2005) – đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới gồm 16 tính năng, 834 chi tiết và xem giờ được trên cả hai mặt
Năm 2005, kỷ niệm 250 năm thành lập, công ty đã trình làng Tour de l’Île - đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới gồm 16 tính năng, 834 chi tiết và xem giờ được trên cả hai mặt. Một thập kỷ sau, hãng tiếp tục cho ra mắt đồng hồ bỏ túi Reference 57260, khi đó là chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới từng được chế tác với 57 tính năng và phải mất 8 năm để hoàn thiện.
Ở Vacheron Constantin, đồng hồ điểm chuông đã trở thành một phần di sản từ những ngày đầu thành lập
Tại Vacheron Constantin, việc chế tạo những chiếc đồng hồ siêu phức tạp được thương hiệu nuôi dưỡng qua hàng thế kỷ tại bộ phận Les Cabinotiers -nơi phụ trách những cỗ máy độc bản và đơn hàng đặt làm riêng. Một ví dụ có thể kể đến là BST “La Musique du Temps” với phần âm thanh độc đáo dành riêng cho mỗi mẫu đồng hồ, được thương hiệu ủy thác cho Abbey Road Studios tại London thực hiện thu âm.
Symphonia Grande Sonnerie 1860 (năm 2017) – cỗ máy thời gian với tổng cộng 727 chi tiết, nằm gọn trong bộ vỏ 37mm và chỉ dày 9,1mm
Phiên bản này gợi liên tưởng đến Symphonia Grande Sonnerie 1860 - đồng hồ đeo tay Grande Sonnerie đầu tiên trong lịch sử của Vacheron Constantin được ra mắt vào năm 2017, một cỗ máy với 727 chi tiết nằm gọn trong bộ vỏ 37mm và chỉ dày 9,1mm.
Trong suốt lịch sử 267 năm của mình, Vacheron Constantin đã cho ra đời không ít những cỗ máy điểm chuông và luôn khiến giới mộ điệu phải say đắm, dù cho đó là giới quý tộc của hai thế kỷ trước hay các tín đồ đương đại ngày nay.
Năm 2020, các bậc thầy chế tác đồng hồ ở Les Cabinotiers đã phát triển một số phiên bản đồng hồ điểm chuông độc bản với chủ đề “The Music of Time”, trong đó có mẫu đồng hồ Symphonia Grande Sonnerie The Sixth Symphony với phần thân giữa của bộ vỏ được chạm khắc một phần Bản giao hưởng thứ Sáu của Beethoven.